Bảo vệ thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH)

Thứ tư - 14/10/2020 02:41
(Kỳ 1) Biến đổi khí hậu toàn cầu
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thường được gọi chung cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải gây hiệu ứng nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các sinh khối trong các hệ sinh thái rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
1.  Khái niệm chung nhất về Khí hậu-Thời tiết
Hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.
Khí hậu là trạng thái khí quyển ở nơi nào đó, được đặc trưng bởi các trị số trung bình nhiều năm của thời tiết.
Thời tiết là trạng thái về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, lượng bốc thoát hơi nước, mây, gió... trong một thời gian nhất định (năm, mùa, tháng…)
Như vậy, khí hậu phản ánh giá trị trung bình nhiều năm của thời tiết và nó thường có tính chất ổn định, ít thay đổi.
2.  Biến đổi khí hậu
Thời kỳ băng hà và thời kỳ gian băng
Trong lịch sử địa chất của trái đất chúng ta, sự biến đổi khí hậu đã từng nhiều lần xảy ra với những thời kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm mà chúng ta gọi là thời kỳ băng hà hay thời kỳ gian băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã xãy ra cách đây 10.000 năm và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng.
* (Gian băng là một thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái Đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực và xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà. Thời kỳ gian băng Holocen hiện tại đã bắt đầu vào cuối Pleistocen muộn cách đây khoảng 11.400 năm).
Hiện tượng biến đổi khí hậu
Sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…
Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu
Xét về nguyên nhân gây nên sự thay đổi khí hậu này, chúng ta có thể thấy đó là do sự tiến động và thay đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất quanh mặt trời, vị trí các lục địa và đại dương và đặc biệt là sự thay đổi trong thành phần khí quyển. Trong khi những nguyên nhân đầu tiên là những nguyên nhân hành tinh, thì nguyên nhân cuối cùng lại có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính*.
* (Có thể hiểu sơ lược là nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa hấp thụ năng lượng mặt trời và lượng nhiệt trả vào vũ trụ. Khi lượng nhiệt bị giữ lại nhiều trong bầu khí quyển thì sẽ làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Chính lượng khí CO2 chứa nhiều trong khí quyển sẽ tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất. Cùng với khí CO2 còn có một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NO2, CH4, CFC. Với những gia tăng mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, than đá..), nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng từ 1,4 ºC đến 5,8 ºC từ 1990 đến 2100 và vì vậy sẽ kéo theo những nguy cơ ngày càng sâu sắc đối với chất lượng sống của con người.
Sự nóng lên của Trái đất làm băng tan đã dẫn đến mực nước biển dâng cao. Nếu khoảng thời gian 1962 - 2003, lượng nước biển trung bình toàn cầu tăng 1,8mm/năm, thì từ 1993 - 2003 mức tăng là 3,1mm/năm. Tổng cộng, trong 100 năm qua, mực nước biển đã tăng 0,31m. Theo quan sát từ vệ tinh, diện tích các lớp băng ở Bắc cực, Nam cực, băng ở Greenland và một số núi băng ở Trung Quốc đang dần bị thu hẹp. Chính sự tan chảy của các lớp băng cùng với sự nóng lên của khí hậu các đại dương toàn cầu (tới độ sâu 3.000m) đã góp phần làm cho mực nước biển dâng cao. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng từ 2,0 - 4,5 ºC và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 0,18m - 0,59m).
3.  Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu
Những minh chứng cho các vấn đề này được biểu hiện qua hàng loạt tác động cực đoan của khí hậu trong thời gian gần đây như đã có khoảng 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt ở Nam Á, Châu Phi và Mexico. Các nước Nam Âu đang đối mặt nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng dễ dẫn tới những trận cháy rừng, sa mạc hóa, còn các nước Tây Âu thì đang bị đe dọa xảy ra những trận lũ lụt lớn, do mực nước biển dâng cao cũng như những đợt băng giá mùa đông khốc liệt. Những trận bão lớn vừa xãy ra tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...có nguyên nhân từ hiện tượng trái đất ấm lên trong nhiều thập kỷ qua. Những dữ liệu thu được qua vệ tinh từng năm cho thấy số lượng các trận bão không thay đổi, nhưng số trận bão, lốc cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đã tăng lên, đặc biệt ở Bắc Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Đại Tây Dương. Một nghiên cứu với xác suất lên tới 90% cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực vào năm 2100, do tình trạng ấm lên của Trái đất.
4.  Biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng làm cho các sông băng tan chảy, và mực nước biển dâng lên. Việt Nam là một trong top 5/10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của sự BĐKH. Sự dâng cao của nước biển làm nhấn chìm nhiều đảo và các tỉnh ven biển của các quốc gia bị ảnh hưởng.
* (Phi-líp-pin, Nigeria, Việt Nam, Cộng hòa Ai-ti, Băng-la-đét).
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta sẽ tăng khoảng 2,3ºC; tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô lại giảm; mực nước biển có thể dâng khoảng từ 0,75m-1m so với trung bình thời kỳ năm1980-1999.
Theo thống kê, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm rõ rệt trong vòng 2 thập kỷ qua. Từ 29 đợt mỗi năm (từ 1971 - 1980) xuống còn 15 - 16 đợt mỗi năm từ 1994 - 2007. Số cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta cũng ngày càng ít đi nhưng ngược lại số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão trở nên dị thường và số cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ, Nam bộ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số ngày mưa phùn ở miền Bắc giảm một nửa (từ 30 ngày/năm trong thập kỷ 1961 - 1970 xuống còn 15 ngày/năm trong thập kỷ 1991 - 2000). Lượng mưa biến đổi không nhất quán giữa các vùng, hạn hán có xu hướng mở rộng, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung bộ (trong đó có Khánh Hòa), dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa.
Theo kết luận của một dự án do Đại sứ quán Đan Mạch ở Việt Nam tài trợ, mực nước biển dâng cao theo như dự tính do trái đất ấm lên có thể gây ra những hậu quả thảm hại đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân tại những vùng bị ngập lụt và có thể có những tác động sau đây:
  - Gia tăng bão lụt tại các khu vực gần bờ hoặc các khu vực đảo.
  - Mất đất canh tác màu mỡ.
  - Diện tích bị nước mặn hoặc nước lợ xâm nhập tăng.
  - Mất đi tính đa dạng của hệ động và thực vật tại Việt Nam.
  - Các hệ sinh thái quan trọng biến mất do nước biển dâng cao.
* (Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm.
Chỉ tính riêng năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng... gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích).
* (Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm, không còn khả năng canh tác, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích).
* (Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 khu vực này thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm, từ 3 - 4 lần/năm xuống còn 1 - 1,5 lần/năm…)
* (Theo kịch bản do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường xây dựng, nếu nước biển dâng cao từ 0,75 m đến 1m thì khoảng 78 trong số 286 “sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu”, 46 khu bảo tồn, 9 khu đa dạng sinh học có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế và 23 khu đa dạng sinh học khác ở Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng.
Nhiều loài động thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu).
* (Theo Tiến sĩ Jack Katzfey, chuyên gia nghiên cứu dự án dự tính khí hậu tương lai cho Việt Nam nhận định: Nhiệt độ tại miền Bắc Việt Nam dự tính sẽ tăng từ 0,8ºC đến 3,4ºC vào năm 2050 và tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ này. Cùng với đó, số ngày nóng sẽ tăng lên (trên 35ºC) và có thể kéo dài trong nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Sự thay đổi của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, công nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản. Đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh và khan hiếm về lương thực, nước ngọt. Đối với lượng mưa trung bình hằng năm, lượng mưa trên bảy vùng khí hậu có sự biến đổi, giao động trong khoảng từ 16% đến trên 36% . Trong khi đó, lượng mưa mùa hè có thể giảm ở hầu khắp các vùng lãnh thổ. Riêng khu vực Trung Bộ mưa lại có xu hướng tăng ở tất cả các mùa trong năm. Về hoạt động của các bão trên Biển Đông có xu thế giảm, nhưng cường độ có thể mạnh hơn và có thể gây ra các trận lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các tỉnh miền núi ở phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Dự báo mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên từ 100mm đến 400mm vào giữa thế kỷ trên toàn dải bờ biển Việt Nam và sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối thể kỷ 21, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng ven biển).
Hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng mạnh đến nước ta trong vài thập kỷ gần đây, gây ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài có tính kỷ lục.
Hiện tượng băng tan (Nguồn Internet)
 
Thời tiết cực đoan. (Nguồn Internet)
Nguyễn Văn Đức Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 9,866,160
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây