Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh
Tình hình bệnh khảm lá trên cây khoai mì tại địa bàn huyện Củ Chi
Thứ năm - 18/11/2021 21:47
Ngày 17 tháng 11 năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất khoai mì và bệnh khảm lá trên cây khoai mì trên địa bàn huyện Củ Chi.
Hiện nay, cây khoai mì được trồng chủ yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại xã An Phú, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội và xã Phú Mỹ Hưng huyện Củ Chi với tổng diện tích gieo trồng là 396 ha, hai giống khoai mì được trồng chủ yếu hiện nay là giống KM94 và giống KM505. Kết quả điều tra ghi nhận diện tích trồng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá là 5 ha, chiếm 1,3% diện tích gieo trồng (396 ha). Bệnh gây hại chủ yếu ở mức độ nhẹ dưới 30% và gây hại chủ yếu trên các giống khoai mì KM505 (05 ha). Bệnh khảm lá trên cây khoai mì do virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra. Triệu chứng đặc trưng của bệnh khảm là vết khảm vàng loang trên lá, trong trường hợp nặng lá biến dạng, xoăn, cong queo và nhăn nhúm làm giảm năng suất và chất lượng. Nguyên nhân do người dân không xử lý kỹ tàn dư cây trồng đã bị nhiễm bệnh của vụ trước, sử dụng hom giống khoai mì không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng. Để kiểm tra tình hình bệnh khảm lá trên cây khoai mì, trong năm 2020 và năm 2021 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá khoai mì trên địa bàn Thành phố cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến; tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật để hạn chế bệnh khảm lá lây lan và phát triển; khuyến cáo người dân không trồng giống khoai mì HLS-11 do giống này bị nhiễm nặng bệnh khảm lá và hiện nay đã bị cấm trồng cũng như mua bán, trao đổi; lựa chọn mua hom giống tại các vùng sạch bệnh, tại các điểm cung cấp hom giống rõ ràng; luân phiên trồng các loại cây khác ở khu vực bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ sản xuất; không xuống giống khi trên khu vực có diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá nhằm hạn chế bệnh gây hại và lây lan. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên tuyên truyền đến người dân thông qua Đài tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài truyền thanh huyện để hướng dẫn người dân cách nhận dạng cũng như quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá trên cây khoai mì đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành./.