Tiến độ sản xuất cây trồng tháng 5 năm 2024

Chủ nhật - 02/06/2024 22:47
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÂY TRỒNG THÁNG 5
1. Cây rau
- Tổng diện tích canh tác rau trên địa bàn Thành phố là 3.200 ha. Trong đó, diện tích rau công nghệ cao là 462,4 ha; diện tích rau tập trung ở các huyện
Củ Chi 1.900 ha, Bình Chánh 570 ha, Hóc Môn 390 ha.

- Diện tích gieo trồng rau trong tháng 5 là 1.357 ha, tương đương so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 29,2 tấn/ha. Trong đó, diện tích gieo trồng chủ yếu tại huyện Củ Chi 700 ha, Bình Chánh 240 ha, Hóc Môn 227 ha, Quận 12: 105 ha, Thủ Đức 30 ha, các quận huyện khác 55 ha.
- Lũy tiến diện tích gieo trồng rau từ đầu năm đến nay là 8.457 ha tương đương so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo trồng tại huyện Củ Chi là 4.286 ha, Bình Chánh 1.677 ha, Hóc Môn 1.421 ha, Quận 12: 605 ha, Thủ Đức 144 ha, các quận huyện khác 324 ha.
2. Hoa, cây kiểng
Diện tích hoa, cây kiểng tính từ đầu năm đến nay là 2.101 ha. Trong đó, diện tích hoa mai: 810 ha, diện tích hoa lan: 305 ha, diện tích gieo trồng hoa nền: 376 ha và diện tích kiểng - bonsai: 610 ha.
 3. Cây lúa
Diện tích lúa vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống 4.046 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng tại huyện Củ Chi 3.125 ha, Bình Chánh 390 ha, Hóc Môn 475 ha, Bình Tân 45 ha và Thủ Đức 11 ha. Trong đó, giai đoạn mạ 831 ha, giai đoạn đẻ nhánh 2.188 ha, giai đoạn làm đòng 902 ha và 125 ha đang trổ.
4. Cây trồng khác
Diện tích cỏ thức ăn gia súc 4.120 ha; diện tích cây cao su: 1.194 ha; diện tích cây mía: 173 ha; diện tích cây ăn trái: 5.200 ha (cây xoài: 1.149,2 ha).
 
II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CÂY TRỒNG THÁNG 6 NĂM 2024
- Diện tích gieo trồng cây rau trong tháng 6 dự kiến 1.801 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Củ Chi: 932 ha, huyện Bình Chánh: 344 ha, huyện Hóc Môn: 307 ha, Quận 12: 131 ha, quận huyện khác 87 ha.
- Diện tích gieo trồng hoa kiểng trong tháng 6 dự kiến 39 ha hoa nền và kiểng - bon sai.
III. NHẬN XÉT, KIẾN NGHỊ
- Về giống cây trồng:
+ Giống rau: sử dụng các giống rau đã được tự công bố lưu hành theo quy định và phù hợp với từng địa phương.
+ Cây lúa: sử dụng các giống lúa chủ lực OM5451, OM4900, OM6976, OM6162, OM18,...; nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản ST25, ST24, Nàng Hoa 9, nếp IR4625,...
+ Giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha nhằm giảm áp lực sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng lúa.
- Sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả:
+ Căn cứ vào từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng, thành phần cơ giới và độ màu mỡ của đất để bón phân cân đối theo nhu cầu của cây trồng, không bón dư thừa gây lãng phí, làm phát sinh sâu bệnh hại, làm tăng chi phí sản xuất cây trồng.
+ Sử dụng bón phân tiết kiệm, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn. Đồng thời, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón đảm bảo phẩm chất của nông sản.
+ Sử dụng các nguồn vật liệu hữu cơ: phân gia súc gia cầm, các phế phẩm trong nông nghiệp như tàn dư thực vật hoặc cây xanh, cỏ dại ủ hoai đúng cách để sử dụng thay thế một phần phân bón vô cơ.
+ Sử dụng phân bón phải đúng cách, tránh để ánh nắng làm bóc hơi hoặc bị rửa trôi làm mất giá trị dinh dưỡng. Đối với phân bón rễ khi bón phải chôn vùi hoặc lấp đất lại, đối với phân bón lá sử dụng khi thời tiết mát mẽ, tốt nhất là vào chiều mát nhưng tránh lúc trời đang mưa hoặc chuẩn bị mưa.
- Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (tham khảo Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam ban hành kèm Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 10 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, tổng lượng mưa phổ biến trong tháng 6 cao hơn trung bình nhiều năm, dao động từ 200  - 300 mm, có một vài đợt mưa diện rộng với mưa vừa, mưa to đến rất to xuất hiện ở vài nơi. Nhiệt độ trung bình tháng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 0,7 độ, dao động từ 28,0 - 29,0oC. Đề phòng dông, lốc, sét, gió giật mạnh trong những cơn mưa dông có thể gây nguy hiểm cho người và thiệt hại tài sản, hoa màu và gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt. Do đó, cần chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng, thoát nước, chống ngập ứng trên cây trồng.
- Thường xuyên theo dõi tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng; khuyến cáo nông dân xuống giống cây trồng theo đúng thời vụ; hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Đề nghị các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, quận theo dõi tình hình sinh vật hại, tiến độ sản xuất cây trồng để thông tin đến người dân, đồng thời hướng dẫn thực hiện các giải pháp trồng trọt thích ứng với tình hình thời tiết trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; thường xuyên theo dõi và cập nhật số liệu quan trắc dự báo thủy văn để có biện pháp ứng phó kịp thời./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 11,135,463
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây