Biện pháp phòng chống châu chấu tre lưng vàng

Thứ hai - 03/08/2020 21:22
Châu chấu tre lưng vàng là châu chấu bản địa tại Việt Nam, chúng ăn một số loài thực vật như lá tre, bắp, lúa. Loài châu chấu này gần như hàng năm đều có phát sinh và gây hại định kỳ, cục bộ tại một số địa phương (phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc), đồng thời có sự di trú qua lại với một số vùng biên giới giáp ranh giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc.
1. Đặc điểm hình thái châu chấu tre lưng vàng
- Châu chấu tre lưng vàng có tên khoa học là Ceracris kiangsu Tsai (Acrididae; Orthoptera).
- Trứng hơi cong, màu nâu sẫm, có vỏ vân hình mắt lưới.
- Châu chấu non giống như con trưởng thành, nhưng không có cánh và thiếu cơ quan sinh sản.
- Trưởng thành thân dài 30 - 40 mm toàn thân có màu xanh vàng. Lưng có màu vàng đặc trưng. Râu đầu ngắn hơn cơ thể có hình sợi chỉ; có một đường vàng chạy dọc giữa sống lưng đến cuối cánh, châu chấu đực nhỏ hơn chấu chấu cái.
chauchau
Hình 1. Châu chấu tre lưng vàng trưởng thành. Nguồn: Báo NNVN
2. Đặc điểm sinh học của châu chấu tre lưng vàng
- Châu chấu đẻ trứng vào mùa Thu và đầu mùa Đông, trưởng thành cái đẻ trứng thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau vài ngày. Ngay sau khi đẻ, trứng bắt đầu phát triển phôi và bước vào thời kỳ ngủ đông. Vào mùa xuân trứng hoàn thành phát triển phôi và nở vào cuối mùa Xuân đầu mùa Hè (từ tháng 3 đến tháng 6, khi có nhiệt độ cao và mưa nhiều).
- Vòng đời châu chấu khoảng 200 - 210 ngày, con cái sống lâu hơn con đực. Sau khi châu chấu trưởng thành được 1 - 2 tuần thì bắt đầu giao phối, sau 10 - 20 ngày bắt đầu đẻ trứng. Giai đoạn trưởng thành khoảng 2 - 3 tháng tùy vào điều kiện thời tiết.
- Trứng đẻ ra cùng với chất rắn dính tạo thành các bọc trứng. Mỗi bọc trứng có từ 22 - 24 trứng. Thường một châu chấu có thể đẻ 6 bọc trứng, tối đa là 25 bọc trứng. Trứng được đẻ ở trong đất, thường ở dưới các bụi tre; trứng có thể tồn tại dưới đất đến 10 tháng qua mùa Thu và mùa Đông, châu chấu non nở trong mùa Xuân hoặc đầu mùa Hè.
- Ấu trùng có 5 tuổi, qua 4 lần lột xác trong vòng 30 - 40 ngày. Một ngày sau khi nở, chúng bắt đầu ăn các lá cây mọng nước và mềm.
- Hầu hết ấu trùng tuổi 1 - 2 đều xuất hiện trên cỏ hoặc rừng tre thấp, đây là thời đểm thích hợp để phòng trừ, sang tuổi 3 châu chấu bò lên cây. Khi độ ẩm cao hơn 90% châu chấu không hoạt động nhưng nếu độ ẩm dưới 62% chúng hoạt động rất mạnh. Khi mật độ rất cao giai đoạn tuổi nhỏ chúng co cụm thành đàn và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
- Châu chấu tre lưng vàng là côn trùng ăn cỏ và đa thực, có thể ăn được 25 loại thực vật thuộc 5 họ chủ yếu là tre, lúa, bắp, mía, rau, …
- Châu chấu trưởng thành di thực theo đàn, khoảng cách 0,5 - 2 km/ngày. Đàn châu chấu trưởng thành có thể di chuyển xa 40 - 60 km.
3. Biện pháp phòng chống
- Biện pháp thủ công: Tìm và tiêu diệt các ổ trứng của châu chấu tre. Phát hiện sớm ổ châu chấu mới nở còn co cụm, dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy.
- Biện pháp sinh học: Có thể sử dụng một số các chế phẩm sinh học sau:
+ Chế phẩm NOLPOR (Nosema locustae): Thành phần là Nosema locustae, là sinh vật đơn bào gây bệnh cho côn trùng bộ cánh thẳng Orthoptera. Châu chấu khi ăn phải thức ăn (lá tre, bắp, lúa,…) có bào tử Nosema sẽ bị nhiễm bệnh và chết, Nosema có thể lây truyền bệnh cho thế hệ kế tiếp của châu chấu qua trứng.
+ Chế phẩm sinh học METARHIZIUM ACRIUM, chủng CQMa102: Đây là một loại nấm được sử dụng trong kiểm soát châu chấu ở khu vực đồng cỏ, khu canh tác nông nghiệp và rừng.
Sử dụng hai loại chế phẩm trên đều an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường, dễ phun bằng bình đeo vai hoặc bình động cơ. Thời gian phun chủ yếu khi châu chấu ở tuổi 2 và 3.
- Biện pháp hóa học: Khi kiểm tra mật độ châu chấu tre cao có nguy cơ ăn trụi cây, cần khoanh vùng và phun trừ ngay bằng thuốc hóa học khi châu chấu còn co cụm chưa phát tán rộng. Sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Neretox 95WP, Victory 585EC, Babsac 750EC, Anvado 100WP, … Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm châu chấu ít di chuyển.
N.T.N

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website

  • Tổng lượt truy cập 10,813,780
  • CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • Giấy phép số: Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng Số 24/GP-STTTT ngày 22/07/2020
  • Chịu trách nhiệm: Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục Trưởng Chi cục
  • Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Huy Tưởng, Phường 6, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 02835102686 - 02838411417
  • Fax: 02838414926
  • ccttbvtv.snn@tphcm.gov.vn
  • Website:

Gửi yêu cầu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây